Mùa Bông So Đũa


                                                        

Tiết trời se se lạnh báo hiệu mùa gió chướng đã về, cũng là lúc những cây so đũa ngoài vườn đua nhau trổ bông, Cây so đũa không kén đất, nơi nào có đất là cây so đũa có thể sống được. Hồi xưa cây so đũa người ta không  trồng mà tự mọc. Cây ra bông vào khoảng cuối tháng 10 và kéo dài đến khoảng tháng 4 âm lịch năm sau. Bông so đũa có màu trắng hình lưỡi liềm, không mùi. Trái so đũa suôn dài thẳng như chiếc đũa, màu xanh treo lơ lửng so le trên cành đong đưa trước gió. Có lẽ vì thế mà chúng có tên gọi là “so đũa” chăng?
Mùa bông so đũa cũng gợi nhớ về ký ức tuổi thơ với nồi canh chua bông so đũa nấu mẻ với cá đồng của những người con miền quê nói chung và những người con xa xứ nói riêng. Cái vị đậm đà dân dã ấy, vậy mà có người cả đời không quên được.
So đũa một năm chỉ có một mùa thôi, muốn ăn bông so đũa ngon và tươi nhất thì phải hái lúc sáng sớm, khi những giọt sương còn đọng lại trên những chùm bông vì lúc đó bông so đũa chưa nở thì bên trong vẫn còn giữ được một túi mật ngọt, làm tăng thêm độ ngon cho loài bông này.  Ở quê ngộ lắm, cứ nhà này hôm đó làm món ăn gì thì các nhà lân cận trong xóm cũng làm món ăn y như vậy.  Cho nên, khi ăn món canh chua bông so đũa cũng ăn hết xóm.
Đặc biệt món canh này phải nấu với cá đồng thì mới ngon.  Bọn con nít chúng tôi cũng có dịp hẹn nhau đi hái bông so đũa đem về cho người lớn. Sáng sớm tinh sương đã có đứa sang nhà đánh thức, đem theo nào rổ, nào giỏ xách, cây kẹp làm bằng tre để đi hái bông.  Chẳng mấy chốc bọn con nít chúng tôi đã có mặt đông đủ dưới những gốc cây so đũa ngoài đồng. Mấy đứa con trai nhanh thoăn thoắt trèo lên cây chọn những chùm bông nhiều nhất để hái trước, rồi quăng đầy xuống đất cho bọn con gái nhặt để vào giỏ, vào rổ. Tiếng cười, tiếng nói râm ran cả một khoảng trời, xóa tan cái tĩnh mịch của buổi bình minh.
Khi hái xong chúng tôi đem về điểm tập kết là của một bác trong xóm, nơi có các mẹ đang chờ ở đó để bắt tay vào việc lặt bông so đũa, bọn con nít chúng tôi thích nhất là bẻ cái bông so đũa ra và hút một dòng mật ngọt bên trong, cái vị ngọt quyến rủ ấy đến tận bây giờ mỗi khi nhắc đến lại thèm.

Lặt bông so đũa thấy vậy mà còn khó hơn cả việc đi hái. Phải lặt thật kỹ nếu không là thế nào trong nồi canh cũng có mấy con sâu cho mà coi. Nên công việc này không dành cho bọn con nít chúng tôi. Người lớn cẩn thận tách bỏ nhụy vì nhụy của loại bông này có vị đắng và không ăn được, rồi vạch từng cánh bông để xem có sâu không, vì cái túi mật ngọt bên trong nên cũng khá thu hút những con sâu rủ nhau tới, sau đó rửa sạch rồi để ráo nước. Đó là hoàn tất xong công đoạn lặt bông so đũa. Rồi thì gia đình nào có đông người thì cứ lấy về cho đủ ăn, chứ không cần chia đều. Đó là cái cách người dân quê chúng tôi cư xử với nhau.
Bông so đũa lặt xong cũng là lúc các chú các bác tát mương đã về, những con cá đồng tươi roi rói nằm trong giỏ: Cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc và những con tép đồng nhảy xôi xối.  Mọi người một lần nữa lại chia phần cho nhau, tình quê nghèo nhưng chan chứa yêu thương.
Có đủ nguyên liệu để nấu một nồi canh chua, má tôi xắn tay áo vào bếp trổ tài nấu món canh chua bông so đũa mà cả nhà rất thích. Nguyên liệu nồi canh của má là: Bông so đũa, cá rô đồng, cơm mẻ và gia vị khác. Trước hết, má bắt nồi nước lên bếp nấu sôi, rồi thả cá rô đã làm sạch, nấu đến khi chín thì vớt ra, để nấu lâu cá bị nát và không ngon. Tiếp theo cho cơm mẻ vào lược cho hết chất chua , bỏ xác. Má nêm nếm gia vị cho vừa ăn và cho cá rô vớt ra lúc nãy vào nồi nấu đến khi sôi lại. Kế đến, má cho bông so đũa vào tô và dùng vá múc nước súp cùng với cá đổ lên bông so đũa. Tôi ngạc nhiên hỏi má sao không cho bông so đũa vào cùng một lượt với cá. Má bảo làm như thế để bông so đũa vẫn giữ được độ dòn và không bị đắng. Cuối cùng, má cho ngò gai và một ít hành phi lên tô, cùng chén nước mắm nguyên chất đậm đà và  không quên cho thêm vài lát ớt.
Chậm rãi gắp một đủa bông so đũa và miếng cá rô chấm vào chén nước mắm, cái vị ngọt của cá tươi, cái vị đăng đắng nhẹ của bông so đũa hòa quyện với cái vị mặn mặn cay cay của nước mắm, là sự kết hợp tuyệt hảo của món canh chua này, cũng không quên húp một muỗng nước súp cái vị ngọt thanh, chua chua của mùi cơm mẻ mà cả đời tôi không thể nào quên được.

Hồi đó, chỉ có một giống so đũa duy nhất, nhưng bây giờ thì người ta đã tạo ra nhiều giống so đũa mới, giống cây lùn lùn, có cả bông trắng, bông tím cho bông quanh năm nhưng nó không thơm ngon bằng giống so đũa cũ.
Bây giờ mùa so đũa lại về, tiếc rằng cuộc sống cũng như một dòng chảy mang theo tất cả những vui buồn khiến cho chúng ta phải xa quê, xa kỷ niệm để cứ mỗi mùa bông so đũa đến, tâm hồn lại tràn ngập nhớ nhung. Nhớ nồi canh chua bông so đũa mẹ nấu năm nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét