DÒNG SÔNG QUÊ NGOẠI



Nếu ai đã từng được sinh ra và lớn lên ở làng quê Miền Tây, thì chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đều mang trong mình bao ký ức về tuổi thơ một thời không thể lãng quên. Với  tôi thì dòng sông quê ngoại là một phần ký ức không thể xóa nhòa trong tâm trí của tôi.
Tôi nhớ lúc còn nhỏ, vì ba mẹ tôi luôn tất bật với công việc buôn bán nên không có thời gian để chăm sóc tôi, nên mỗi dịp nghỉ hè mẹ đều gửi tôi về quê ngoại.  Mới ở nhà ngoại mấy ngày vì chưa quen với mọi thứ nơi đây, tôi cảm giác nhớ nhà kinh khủng vì tôi chưa bao giờ xa mẹ quá  hai ngày. Mỗi lần như thế tôi đều trốn vào góc khuất để khóc, để không cho ai thấy một đứa con gái yếu đuối như tôi.  Nhưng tình thương của ngoại và các cậu các dì đã kéo tôi ra cái nỗi cô đơn nhớ nhà đó.
Tôi nhớ nhà Ngoại hồi đó, trước nhà có một con sông, Ông ngoại rất khéo tay đóng một chiếc cầu ván để làm nơi giặt đồ, rửa chén, vo gạo, trên bờ còn có một cái băng ghế gỗ để ngồi hóng mát .  Mỗi lần tôi nhớ nhà bà ngoại đều dắt tôi xuống chiếc ghế đó để ngồi nhìn những dề lục bình trôi theo con nước lớn nước ròng, nhìn con đò nhỏ đưa đón khách sang sông. Không lâu sau, tôi đã quen dần với cuộc sống ở quê Ngoại,  làm quen được các bạn nhỏ trong xóm, nên cái nổi ám ảnh xa nhà không còn luẩn quẩn trong tôi mà trái lại tôi cảm thấy rất vui và bình yên đến lạ.

Hồi đó, nhà ngoại tôi đông người, nên cũng không dư giả tiền bạc nhưng trái cây thì có rất nhiều, điều tôi thích ở nhà ngoại là những hàng dừa thẳng tắp và quanh năm đầy trái, lâu lâu Ông ngoại hái xuống và chất một xuồng cho Dì tôi theo con nước sáng chở dừa ra chợ bán để lấy tiền mua những những vật dụng trong nhà và lúc nào dì tôi cũng không quên mua cho tôi ít bánh và bến sông với chiếc ghế gỗ đó cũng là nơi tôi chờ Dì tan buổi chợ.

Buổi trưa đợi ngoại nằm yên trên võng  nghe cải lương, tôi trốn theo Cậu Út, bơi xuồng men những bụi dừa nước để bắt cá bống, cậu dặn tôi ngồi yên không được thò tay xuống dọc nước, để cậu bắt nhiều cá bống về kho tiêu cho ăn. Tôi cũng nghe lời râm rấp và phần thưởng cho sự ngoan ngoãn đó, lúc nào Cậu cũng tiện tay đốn cho tôi mấy trái dừa nước, món ngon tôi chưa từng được ăn, mà chỉ có ở miền sông nước quê ngoại tôi. Những hình ảnh này trong thích thú làm sao. Còn một loại cây mà trong ký ức tuổi thơ mà mỗi khi nhắc đến dòng sông thì hình ảnh của nó lại hiện về như một thước phim quay chậm. Đó là cây bần mà lúc nhỏ tôi hay gọi  là “ trái ô tròn”,  bởi vì trên đầu nó có cái cuốn xòe ra như chiếc ô nên tôi buộc miệng gọi thế. Mà hồi nhỏ tôi lạ lắm, muốn cái gì thì không đòi liền mà đến khi về nhà tôi mới diễn ta ra cái mà tôi nhìn thấy. Tôi nhớ lúc tôi diễn tả trái ô tròn, không ai hiểu tôi nói gì, đến khi tôi nói là nó gần ở những bụi dừa nước cập mé sông thì mọi người mới cười òa ra vì mới biết tôi đang nói đến trái gì. Tôi nằng nặc đòi hái bằng được trái đó, chiều lòng tôi Ông ngoại dẫn xuống mé sông hái mấy trái, mắt tôi sáng rực lên, đưa hai tay nhận lấy từ ông ngoại rồi vội vàng cắn một miếng, cảm giác lúc đó thấy luôn cả bầu trời đầy sao ở trên đầu vì không tưởng tượng ra cái trái đẹp như  vậy mà không ngon tí nào. Và mỗi lần gặp lại trái ô tròn tôi chỉ nhíu mắt nhìn nó đung đưa theo gió chứ không dám đòi hái nữa.

Buổi chiều, Ngoại cho phép tôi được đi theo bọn con nít hàng xóm tắm sông nhưng không quên dặn tụi nó canh chừng tôi, ban đầu tôi cũng còn sợ, nên không dám xuống nước, dần dà tôi còn dám bắt chước bọn bạn ôm cây chuối xuống nước tập bơi, rồi bọn bạn còn xúi leo lên cây xoài  cập mé sông phóng xuống, có bữa sặc nước uống cho một bụng, hoảng quá khóc mếu máo, bọn bạn sợ tôi về méc ngoại, nên dặn tôi đừng méc, ngày mai bọn nó sẽ dẫn tôi ra ruộng thả diều, ra đồng mót khoai , bắt cá nướng cho tôi ăn. Bọn bạn ở quê  coi vậy mà đứa nào cũng giỏi, việc gì cũng biết làm, chẳng bù cho tôi đi trên triền đê mà cũng té.

Buổi tối, ông Ngoại đốt một đống vỏ dừa gần bến sông để xua muỗi, đợi lửa cháy hết, ông Ngoại đem bắp ra nướng cho mỗi đứa một trái, bọn con nít  ngồi xung quanh nghe ngoại kể chuyện, chuyện thời xưa khi ông ngoại gặp bà ngoại, rồi ông ngoại tham gia kháng chiến, bọn con nít chúng tôi rất thích thú và cứ chăm chú lắng nghe. Trời dần khuya mặt trăng đã lên cao qua khỏi ngọn dừa in bóng xuống dòng sông lắp lánh, tiếng của những con bìm bịp gọi nhau í ới, báo nhau con nước lớn nước ròng và đó cũng là lúc các bác các chú bơi xuồng ra mé sông thăm lưới, một khung cảnh về đêm đẹp tuyệt vời hiện ra trước mắt.

Thắm thoát vậy mà ba tháng hè trôi qua rất nhanh, Mẹ tôi đến đón tôi về nhà để chuẩn bị cho một năm học mới bắt đầu. Cái cảm giác chia tay ngoại, chia tay bọn bạn nhỏ trong xóm tôi không cầm được nước mắt, tụi bạn ôm tôi và dúi vào tay tôi những món quà mà bọn nó đã chuẩn bị sẵn rồi hẹn mùa hè năm sau gặp lại.
Rồi hè năm sau nhà tôi dọn đi nơi khác, ba mẹ tôi cũng đổi việc nên có nhiều thời gian dành cho tôi, nên không gửi tôi về quê ngoại nữa. Vậy là tôi lỡ hẹn cùng bọn bạn…
Hôm nay tình cờ qua một góc sông nhỏ, tôi lại bùi ngùi nhớ lại ký ức xưa, ký ức về dòng sông, bến nước, con đò, nơi có quê ngoại chiều chiều đung đưa cánh võng, có bọn bạn nhỏ có cả tuổi thơ tôi. Xin cho tôi một vé tuổi thơ tìm về miền ký ức, dù một lần chỉ một lần thôi.

THƯƠNG CHÁI BẾP QUÊ



Ai sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhất định trong ký ức vẫn còn lưu giữ một hình ảnh đẹp, mà cho dù có đi đâu xa hay trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống thì hình ảnh đó cũng không thể xóa nhòa trong tấm trí của người con đất Việt. Chái bếp quê nhà nghe tên sao quá đổi thân quen, nhưng đã dần trở thành xa lạ đối với thời đại bây giờ. Xã hội ngày càng phát triển, tiện nghi cuộc sống cũng được nâng cao, bây giờ hầu hết nhà ai cũng có cái bếp khang trang và tiện lợi hơn rất nhiều, bếp ga, bếp điện đã thay thế dần cái cà ràng ở nơi chái bếp năm nào .

Hồi đó ở quê, nhà ai cũng cất một kiểu giống nhau, phần rộng lớn và khang trang nhất dùng để thờ cúng ông bà tổ tiên và là nơi để tiếp đãi khách,. Còn một nơi khuất nhất ở góc sau nhà chính là chái bếp. Chái bếp được cất tách biệt ra khỏi nhà lớn, bởi hai lý do, thứ nhất là gia chủ sợ khói bếp làm bẩn luôn ngôi nhà của mình bởi những làng khói xám phát ra từ cà ràng sau bếp. Thứ 2, bởi chái bếp là nơi giữ lửa nồng ấm của gia đình nên người ta có thói quen giấu ở góc khuất. Ngoài ra, ông bà ta có nói, muốn biết gia đình đó có hạnh phúc hay không và người phụ nữ trong nhà có đảm đang hay không thì chỉ cần nhìn vào chái bếp là biết.
 Tôi không biết hai từ: chái bếp” có từ bao giờ và xuất phát từ đâu nhưng khi tôi biết thì nó đã hiện hữu trong nhà của tôi. Trong chái bếp truyền thống người ta đặt 2 cái cà ràng hoặc mấy cục gạch ống kê thành ba ông táo, vài ba bó lá dừa, nồi nêu xoong chảo và một cự củi khô dùng cho việc nấu ăn. Nhà nào khá dã hơn, thì làm chái bếp rộng hơn để đặt thêm một cái “ gạc măng rê” hay còn gọi là“ cái chạn”, để đựng chén, những vật dụng cần xài và thức ăn sau khi đã nấu chín.
Tiếc cho những ai chưa một lần sống ở chốn nhà quê yên bình, để có thể hít thở được bầu không khí trong lành của những buổi sớm bình minh và đi chân trần trên đất khi những giọt sương còn đọng quằn trên lúa.

Khi tiếng gà bắt đầu gáy sáng cũng là lúc Má tôi thức dậy nhóm lửa bắt ấm nước để pha trà và chuẩn bị nấu cơm sáng cho ba đem theo ra đồng. Tôi cũng bật dậy lẽo đẽo theo má xuống bếp, cái làng khói xám cay xè làm phá tan đi cái buổi sớm tĩnh mịch, tôi thích đùa giỡn với những làng khói xám ấy, mặc dù mỗi lần nghịch như thế thì mắt mũi tôi lại tèm nhèm vì cái mùi cay cay nồng nồng của khói. Lần nào má nấu cơm, tôi cũng dặn má nhớ làm sao để có cơm cháy giòn giòn, tôi thích cái mùi thơm thơm của cơm cháy hòa quyện với cái vị mặn mặn của cá kho khi ăn cùng, mà duy nhất chỉ ở chái bếp nhà quê mới có.
Chị em tôi lớn lên cũng nhờ vào cơm má nấu nơi chái bếp này, cứ mỗi lần đi học về tới nhà, như thói quen chị em tôi lao ngay xuống bếp, mở nắp nồi, mở tung cái gạc măng rê xem hôm nay má nấu món gì? Hôm nào có món cá kho khô với canh mướp là y như rằng ngày đó cái nồi cơm của má khỏi cần đi rửa cũng sạch.
 Nơi chái bếp ấy cũng là nơi má tôi dạy tôi nhóm bếp củi và nấu những món ăn đầu tiên. Nhúm được lửa có khi nước mắt chảy đầm đìa, nhất là những ngày mưa, củi ướt không bắt lửa phải cúi gập người, " phùng mang" mà thổi, khói cuộn lên bay vào mắt cay xè, mùi khói bếp nồng nồng mà đi xa đâu dễ mà quên.
                         " chỉ còn nhớ khói hung nhèm mắt cháu
                                nghĩ đến giờ sóng mũi còn cay"
Chái bếp quê còn gợi cho người ta một cảm giác ấm cúng yên ả của những buổi chiều tà, khi khói bếp quyện vào không gian cho ta biết đó là lúc sum họp gia đình sao những giờ làm việc vất vả, cả nhà chuẩn bị quay quần xúm xít bên mâm cơm gia đình.
" bếp nhà ai khói rung mờ ngọn lửa
bữa cơm chiều bông súng với mắm kho"
Ngày nay còn được mấy nhà giữ được bếp quê ?. bếp ga tràn lan chỉ cần bật một cái có ngay ngọn lửa, còn đâu khói bếp nhà ai quyện vào trong gió, thoang thoảng mùi rơm khô, mùi củi ướt... những gia đình cũng ít khi tụ họp bên mâm cơm vì ai muốn ăn chỉ cần bật bếp lên, nhanh gọn,tiện nghi nhưng sao chạnh lòng nhớ mãi bếp quê, chợt cay mắt như những ngày thơ ngồi bên bếp đợi bữa cơm chiều,...
Và tôi cũng lớn dần theo năm tháng, rời xa nhà đi học ở xa, buổi chiều mỗi khi chạy xe ngang qua nhà ai có làng khói bay lên từ nơi góc bếp, tôi dừng lại ngắm nghía thật lâu. Tất cả ký ức trong chái bếp nhà quê cứ cựa quậy trong tôi rất nhiều cảm xúc. Ở nơi ám khói đó sao mà thân thương quá đổi, chái bếp thương yêu đến chảy tràn nước mắt ấy là nơi nuôi nấng biết bao người lớn lên.
Bất chợt nhớ quay quắt khi nhà ai đó bật lên bài nhạc còn thương rau đắng mộc sau hè …” Chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào, một lời cho nhau….

Mùa Bông So Đũa


                                                        

Tiết trời se se lạnh báo hiệu mùa gió chướng đã về, cũng là lúc những cây so đũa ngoài vườn đua nhau trổ bông, Cây so đũa không kén đất, nơi nào có đất là cây so đũa có thể sống được. Hồi xưa cây so đũa người ta không  trồng mà tự mọc. Cây ra bông vào khoảng cuối tháng 10 và kéo dài đến khoảng tháng 4 âm lịch năm sau. Bông so đũa có màu trắng hình lưỡi liềm, không mùi. Trái so đũa suôn dài thẳng như chiếc đũa, màu xanh treo lơ lửng so le trên cành đong đưa trước gió. Có lẽ vì thế mà chúng có tên gọi là “so đũa” chăng?
Mùa bông so đũa cũng gợi nhớ về ký ức tuổi thơ với nồi canh chua bông so đũa nấu mẻ với cá đồng của những người con miền quê nói chung và những người con xa xứ nói riêng. Cái vị đậm đà dân dã ấy, vậy mà có người cả đời không quên được.
So đũa một năm chỉ có một mùa thôi, muốn ăn bông so đũa ngon và tươi nhất thì phải hái lúc sáng sớm, khi những giọt sương còn đọng lại trên những chùm bông vì lúc đó bông so đũa chưa nở thì bên trong vẫn còn giữ được một túi mật ngọt, làm tăng thêm độ ngon cho loài bông này.  Ở quê ngộ lắm, cứ nhà này hôm đó làm món ăn gì thì các nhà lân cận trong xóm cũng làm món ăn y như vậy.  Cho nên, khi ăn món canh chua bông so đũa cũng ăn hết xóm.
Đặc biệt món canh này phải nấu với cá đồng thì mới ngon.  Bọn con nít chúng tôi cũng có dịp hẹn nhau đi hái bông so đũa đem về cho người lớn. Sáng sớm tinh sương đã có đứa sang nhà đánh thức, đem theo nào rổ, nào giỏ xách, cây kẹp làm bằng tre để đi hái bông.  Chẳng mấy chốc bọn con nít chúng tôi đã có mặt đông đủ dưới những gốc cây so đũa ngoài đồng. Mấy đứa con trai nhanh thoăn thoắt trèo lên cây chọn những chùm bông nhiều nhất để hái trước, rồi quăng đầy xuống đất cho bọn con gái nhặt để vào giỏ, vào rổ. Tiếng cười, tiếng nói râm ran cả một khoảng trời, xóa tan cái tĩnh mịch của buổi bình minh.
Khi hái xong chúng tôi đem về điểm tập kết là của một bác trong xóm, nơi có các mẹ đang chờ ở đó để bắt tay vào việc lặt bông so đũa, bọn con nít chúng tôi thích nhất là bẻ cái bông so đũa ra và hút một dòng mật ngọt bên trong, cái vị ngọt quyến rủ ấy đến tận bây giờ mỗi khi nhắc đến lại thèm.

Lặt bông so đũa thấy vậy mà còn khó hơn cả việc đi hái. Phải lặt thật kỹ nếu không là thế nào trong nồi canh cũng có mấy con sâu cho mà coi. Nên công việc này không dành cho bọn con nít chúng tôi. Người lớn cẩn thận tách bỏ nhụy vì nhụy của loại bông này có vị đắng và không ăn được, rồi vạch từng cánh bông để xem có sâu không, vì cái túi mật ngọt bên trong nên cũng khá thu hút những con sâu rủ nhau tới, sau đó rửa sạch rồi để ráo nước. Đó là hoàn tất xong công đoạn lặt bông so đũa. Rồi thì gia đình nào có đông người thì cứ lấy về cho đủ ăn, chứ không cần chia đều. Đó là cái cách người dân quê chúng tôi cư xử với nhau.
Bông so đũa lặt xong cũng là lúc các chú các bác tát mương đã về, những con cá đồng tươi roi rói nằm trong giỏ: Cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc và những con tép đồng nhảy xôi xối.  Mọi người một lần nữa lại chia phần cho nhau, tình quê nghèo nhưng chan chứa yêu thương.
Có đủ nguyên liệu để nấu một nồi canh chua, má tôi xắn tay áo vào bếp trổ tài nấu món canh chua bông so đũa mà cả nhà rất thích. Nguyên liệu nồi canh của má là: Bông so đũa, cá rô đồng, cơm mẻ và gia vị khác. Trước hết, má bắt nồi nước lên bếp nấu sôi, rồi thả cá rô đã làm sạch, nấu đến khi chín thì vớt ra, để nấu lâu cá bị nát và không ngon. Tiếp theo cho cơm mẻ vào lược cho hết chất chua , bỏ xác. Má nêm nếm gia vị cho vừa ăn và cho cá rô vớt ra lúc nãy vào nồi nấu đến khi sôi lại. Kế đến, má cho bông so đũa vào tô và dùng vá múc nước súp cùng với cá đổ lên bông so đũa. Tôi ngạc nhiên hỏi má sao không cho bông so đũa vào cùng một lượt với cá. Má bảo làm như thế để bông so đũa vẫn giữ được độ dòn và không bị đắng. Cuối cùng, má cho ngò gai và một ít hành phi lên tô, cùng chén nước mắm nguyên chất đậm đà và  không quên cho thêm vài lát ớt.
Chậm rãi gắp một đủa bông so đũa và miếng cá rô chấm vào chén nước mắm, cái vị ngọt của cá tươi, cái vị đăng đắng nhẹ của bông so đũa hòa quyện với cái vị mặn mặn cay cay của nước mắm, là sự kết hợp tuyệt hảo của món canh chua này, cũng không quên húp một muỗng nước súp cái vị ngọt thanh, chua chua của mùi cơm mẻ mà cả đời tôi không thể nào quên được.

Hồi đó, chỉ có một giống so đũa duy nhất, nhưng bây giờ thì người ta đã tạo ra nhiều giống so đũa mới, giống cây lùn lùn, có cả bông trắng, bông tím cho bông quanh năm nhưng nó không thơm ngon bằng giống so đũa cũ.
Bây giờ mùa so đũa lại về, tiếc rằng cuộc sống cũng như một dòng chảy mang theo tất cả những vui buồn khiến cho chúng ta phải xa quê, xa kỷ niệm để cứ mỗi mùa bông so đũa đến, tâm hồn lại tràn ngập nhớ nhung. Nhớ nồi canh chua bông so đũa mẹ nấu năm nào.