LY CAFE ĐEN KHÔNG ĐƯỜNG


Có lẽ tâm trạng hôm nay của nó xấu đi rất nhiều, nói đúng hơn là nó đang đau với nỗi đau đang bị xát muối. Nó cảm thấy chông chênh! Nó cảm thấy buồn và mất lòng tin.
Ngày thường có ai trong phòng pha cafe, nó chỉ cần nghe mùi thôi đã chảy 2 hàng nước mắt, vì trước giờ nó bị dị ứng với cafe, hễ cái gì có cafe là nó lại chảy nước mắt. Nhưng hôm nay nó đau quá, lòng nó mặn đắng. Giờ nghỉ trưa nó xuống căn tin đưa cái ly cho người ta bảo: “ Chị bán cho em ly cafe đen không đường.”, chị nhân viên nhìn nó ngạc nhiên rồi nói: “ cafe đen không đường luôn?” nói vậy nhưng chị cho nó thêm tí đường, một tí đó chắc cũng không thấm vào đâu. Cầm ly cafe trên tay mà nước mắt nó cứ chảy xuống, cái mùi rõ là rất khó chịu. Về đến phòng nó đặt ly cafe xuống mắt đăm chiêu nhìn và suy nghĩ: “ có phải cafe không đường đắng lắm không? Và uống nó vào mình sẽ làm sao nhỉ? Nằm ngủ tại chỗ hay nước mắt chảy xuống? Mông lung chút vậy thôi, nó cầm ly cafe lên định uống, một anh đồng nghiệp đi ngang qua nói nghe mùi cafe đâu đây ta. Nó quay sang anh trả lời là cafe của em. Anh bạn đồng nghiệp quá đổi ngạc nhiên không tin nó nói, kéo ly cafe về phía anh ta và nói: “ là cafe thật hả? Cafe đen không đường”. Mọi người cùng phòng nghe xong, không ai là không ngạc nhiên, những chẳng biết vì sao hôm nay nó lại có thể uống được cafe mà ngày thường chỉ cần ngửi được mùi nó đã khó chịu biết dường nào. Nhưng chỉ có mình nó mới hiểu sao lại uống cafe, bởi vì nó muốn khóc, khóc không để mọi người biết là nó đang khóc. Nên nó mượn cafe, để mọi người nghĩ rằng nước mắt đó là do bị dị ứng với cafe chứ không phải nó đang khóc vì buồn.
Uống từng ngụm cafe nước mắt nó lại tuông xuống như mưa, sao người ta bảo cafe đen không đường rất đắng mà nó uống thấy ngọt lịm? Có phải nỗi đau của nó đắng còn hơn cafe đen nên nó thấy cafe rất ngọt?
Nó lại nghĩ về những gì tối qua nó nhận được, thật sự rất đau!! Không phải nỗi đau đơn thuần mà là một nỗi đau nhân đôi. Nó đang đau với nỗi đau thứ nhất, nó đang đứng bên bờ vực thẩm, nó cố đưa tay lên nhờ người bạn mà nó thương nhất người bạn mà nó nghĩ là thân nhất kéo nó lên. Nhưng bạn nó lại quay lưng đi với nó và thờ ơ trước nỗi đau của nó. Nó đứng chông chênh và gục xuống, nó đau thật nhiều. Giờ nó nhận ra  trong mắt người bạn đó nó không là gì cả.
Từ nay nó sẽ học cách khi vấp ngã phải tự đứng lên, không cần bàn tay ai đó nâng nó dậy, học cách quên dần với nỗi đau, bỏ dần thói quen quan tâm ai đó quá nhiều như thế không có nghĩa là sống vô tâm. Nhưng như thế chắc có lẽ nó sẽ không quá đau như bây giờ.
Cafe đen không đường sẽ là người bạn thân thiết của nó những lúc nó buồn và muốn khóc.

Chuyện Nước Nổi Và Con Gái Của Lúa















Mấy ngày nay, khắp nơi đâu đâu cũng thấy cả một biển nước mênh mông, từ nông thôn đến thành thị. Vì ở cách xa thượng nguồn nên Cần Thơ cũng ngập nước nhưng so với các vùng miền khác thì cũng đỡ hơn nhiều. Sáng sớm đi làm phải chạy gần 20km mới đến Công ty sợ nhất là đi đoạn đường gần mé sông nước dâng khá cao, lại thêm có nhiều ổ gà ổ voi nữa, lúa sợ chạy không khéo té xuống sông không biết sao mà lội lên nữa. Vậy mà, con gái của 2 lúa nó khoái dữ lắm, chỗ cạn nó không chịu chạy nó cứ nhầm chỗ nước sâu mà chạy. Lúa cũng tưởng nó biết bơi nên nó thích nước, ai dè nó thấy mấy anh cao to lực lưỡng hơn nó ở phía trước lướt sóng tung tóe, nó thích quá cho nên nó cũng cong đuôi chạy theo ở phía sau. Đã bảo con gái chân ngắn rồi mà đòi bồng làm gì không biết, chút xíu nữa là uống nước 1 bụng rồi, đã bảo yếu đừng ra gió mà lại. Mà con gái của lúa nó cũng chịu đựng giỏi thiệt, trong khi mấy bạn cùng trang lứa với nó tấp vô lề hết, vậy mà con gái của lúa nó không chịu thua, không chịu khuất phục với mọi hoàn cảnh, cuối cùng làm má của nó là lúa đây một phen hú vía, tưởng đâu là cõng bộ con gái về nhà rồi.
                             ( Con gái của Lúa nà)
Lúa nói đùa tí cho vui thôi chứ nước nổi thì ai cũng lo lắng, thương nhất là Đồng bào mình ở Miền Trung phải gồng mình hứng chịu những thiên tai nặng nề, hết bão rồi đến lũ quét, vất cả cả năm trời nhưng chỉ cần một cơn bão đi qua hay mùa nước nổi tràn về là cuốn trôi đi tất cả những cố gắng. Nhìn thấy những cảnh tưởng ấy qua báo đài mà làm lòng lúa đau xót. Lúa may mắn hơn được sinh ra ở Miền Tây sông nước, cũng có bão, cũng có lũ nhưng không đáng kể so với nơi khác. Nước ngập tầm đến đầu gối là mọi người đã lo lắng, chuẩn bị đủ thứ để tránh lũ, còn trong khi đó đồng bào Miền Trung có nơi nước ngập đến mái nhà, mọi sinh hoạt phải tạm dừng lại chờ khi lũ rút.
Lúa rất mâu thuẫn, lúa không thích nước lũ đến giao rắc nhiều đau thương, nhưng lúa lại thích được xoắn quần lên lội nước và ngâm chân dưới nước cảm giác nó ngồ ngộ là lạ. Cần Thơ của lúa nước ngập cũng khoảng đến trên đầu gối của lúa là cùng ( nói nhỏ là tại vì chân lúa ngắn quá hehe). Những ngày như thế lúa cùng vài chị bạn thân sắm mỗi người một đôi dép lào để lội nước. Bến Ninh Kiều là nơi lý tưởng mà mỗi năm vào mùa này, ít nhất 1 lần lúa cùng mọi người xuống nơi đây, có thể lặn lội xuống đây chỉ để ngâm nước hoặc nhìn ngắn những em nhỏ đùa nghịch với nước, đó cũng là cách tốt nhất mà lúa xả xì trét, cũng may dưới bến Ninh Kiều là do nước sông dâng lên chứ không phải bị ngập do nước cống không thoát nước được mà tràn bờ, nên có thể an tâm vẫy vùng mà không sợ bị bốc mùi.


20-10, ai có gia đình sẽ sum hợp bên gia đình, ai có người yêu thì cùng người yêu chạy vòng vòng dạo phố. Còn lúa lúa chỉ có con gái sớm tối cùng lúa đi về và những chị bạn thân cũng giống lúa, độc thân vui tính cùng nhau đón một ngày lễ Phụ Nữ ấm áp, nhưng lúa cảm thấy rất vui, vui vì bên cạnh mình vẫn còn có những người bạn, những người chị thật đáng yêu.
                                              Trăng và cầu Cần Thơ phía xa xa 

BÀ NGOẠI BÁN NHO

Tiếng bước chân nặng nè, dáng nghiêng nghiêng trong cái nắng chiều vừa tắt. Tiếng rao yếu ớt của Ngoại cùng với một sề nho to đùng đang đội trên đầu, làm cái dáng đã còng của Ngoại giờ càng còng hơn. Đặt sề nho bên cạnh nó, buông tiếng thở dài, mắt Ngoại đã mờ, chân ngoại đã rung, dáng người gầy còm cất tiếng rao mời:
“ Con ơi, mua tiếp Bà ít nho với, đi bán từ 4h sáng tới giờ vẫn còn nhiều quá, nhà Bà ở Trà Nóc lận, phải bán lỗ để về thôi, còn có tiền để trả cho người ta.”
Nghe Ngoại rao mời nó cảm nhận được sóng mũi cay cay, tim nó quặn thắt, đây không phải lần đầu nó bị như thế, nhưng không hiểu sao mỗi lần nhìn những cảnh tượng như thế tim nó lại nhảy nhót lên, khiến nó sắp rơi ra khỏi lồng ngực. Lần trước nó gặp ông Ngoại, bị cụt một chân đi bán bánh tráng, nó cũng mua giúp nhưng cũng thấy đau, lần sau nó gặp một Bà Ngoại ngoài 80 đi bán vé số, tim nó cũng lại reo lên. Còn lần này nó cảm giác thấy tim nó như thế nào đó, khiến nó nghèn nghẹn sắp không thở nỗi.
Nó đưa mắt nhìn sề nho của Ngoại, lắc lắc tay Chị bạn thân ngồi bên cạnh, thì thầm: “ Chị mua nho tiếp ngoại đi”. Chị ăn thử một trái và quay sang nói khẽ với nó: “ Nho của Ngoại không tươi, mà nó chua quá chừng hà”. Cuối cùng  Chị cũng bị nó thuyết phục, mua mỗi người 1 bọc cho Ngoại đỡ bớt gánh nặng đường xa.
Chị em nó mua giúp Ngoại Ngoại mừng lắm và rối rít cảm ơn 2 chị em nó, Ngoại nói Ngoại có tới 7 người con nhưng “ không đứa nào nuôi Ngoại”. Ngoại phải tự kiếm sống thôi. 7 người con ư? Nghe tới đây nó lại thấy buồn cho Ngoại, cả một đời buôn gánh bán bưng, giờ đã già sức khỏe đã kém, không còn đủ sức lo cho họ thì lại bị bỏ rơi như thế này sao? Cho dù nghèo đến đâu mà 7 đứa con cũng không nuôi nỗi một người Mẹ già sao?
Nhà ở Trà Nóc cách nơi đây hơn chục cây số, qua tới đèn đỏ còn quẹo vào con đường Nguyễn Chí Thanh qua 2 cây cầu mới tới nhà Ngoại, Trà Nóc đoạn đường ngày nào nó cũng đi làm mà, tối rồi Ngoại vẫn chưa bán hết, không biết khi nào mới được về nhà? không biết từ sáng tới giờ có ăn cơm nước gì chưa nữa? Khoảng 15 phút sau, nó lại thấy Ngoại quay trở lại ngồi bên cạnh nó, ngoại bảo Ngoại cảm ơn 2 chị em nó vì đã mua giúp Ngoại, nên có người cũng mua gần hết chỗ nho ấy của Ngoại, chỉ còn lại một ít trái rơi rụng còn lại trong sề. Nó mừng thầm vì hôm nay chắc Ngoại sẽ được về sớm, có tiền trả tiền nho cho người ta. Nhưng Ngoại bảo, Ngoại đi không nỗi nữa, chân đi từ 4g sáng đến tối đã mỏi rụng rời, thêm cái đầu bị đau do đội cái sề nặng quá lâu nên Ngoại chờ chú xe ôm vẫn thường rước Ngoại mỗi khi đi bán về, tội nghiệp chú ấy thấy hoàn cảnh khốn khó của Ngoại, thay vì từ Cần Thơ về đến Trà Nóc đi xe khác phải tốn 70 ngàn, nhưng chú ấy chỉ lấy của Ngoại 30 ngàn nhưng phải đợi chú ấy đến 22h thì chú ấy mới có thể rước được Ngoại. Giờ thì Ngoại bán sắp hết rồi, Ngoại lại trả tiền nho và ngồi đó đợi chú ấy lại rước. Một lần nữa nó tin trên đời này vẫn còn nhiều người có trái tim nhân hậu, nhiều người cũng thông cảm với hoàn cảnh của những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Nhìn cái dáng hao gầy của Ngoại in bóng xuống đường qua những ánh đèn khuất dần trong màn đem đang buông xuống, nó khẽ lắc đầu suy nghĩ mông lung: “ có khi nào tuổi già nó cũng thế không nhỉ? ”.
Cầm bọc nho trên tay, Chị hỏi nó: “ nho chua vậy sao ănnổi?” Nó mỉm cười đáp lời Chị: “ Khi Chị ăn nho, Chị dùng tâm mà ăn và suy nghĩ về Ngoại, bằng tấm lòng nhỏ bé của Chị em mình thì Chị sẽ cảm thấy rất ngọt”.Vốn dĩ loại nho đó đa phần đều ngọt, nhưng chẳng hiểu sao nho của Ngoại bán nó lại chua đến vậy, chắc có lẽ nó chua chát như chính cuộc đời của Ngoại.

Rời nơi đó, trong đầu nó còn suy nghĩ mông lung.........suy nghĩ về Ngoại người mà lần đâu tiên nó gặp tim nó đã thấy đau. Suy nghĩ về những Ông Bà Ngoại khác, mắt mờ chân rung vẫn ngày đêm bươn chải, ôi cả cuộc đời vất vả với con cháu đến tuổi xế chiều còn lại được gì ngoài thân thể gầy mòn???????

TRUNG THU ẤM ÁP CÙNG VIỆN DƯỠNG LÃO

Mấy ngày nay bận rộn với một đống công việc, nhức đầu nhất là mấy cái hợp đồng cần phải dịch gấp, giờ thì xong hết mấy cái hợp đồng rồi, chỉ còn lại cuốn sách 甩手治疗百病 là chưa dịch thôi, nhưng cũng không gấp lắm, nên tranh thủ lên thăm căn nhà tinh thần một tí. Kể cho mọi người nghe về chuyến đi thăm viện dưỡng lão của bọn mình.
Hôm tết trung thu vừa rồi, với truyền thống tốt đẹp của lớp Anh Văn 1C hồi cái thời còn học đại học, ai có sức góp sức, ai có vật chất góp vật chất, làm một chuyến từ thiện về  nơi nuôi dưỡng người già neo đơn ( gọi tắt là viện dưỡng lão). Trung thu đi đến những trại trẻ mồ coi thì chẳng có gì đặc biệt như người ta vẫn thường biết, nhưng đến viện dưỡng lão thì chắc ai cũng thắc mắc: “ trung thu là của thiếu nhi, ai lại đi thăm viện dưỡng lão bao giờ”, Nhưng cái gì cũng có lý do của nó. Lớp chúng tôi chỉ thích đến những nơi mà họ cần sự giúp đỡ, nơi mà hoan nghênh chúng tôi mỗi khi chúng tôi đến.











Viện dưỡng lão nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, con hẻm không ồn ào như những con hẻm khác, đến đây chúng tôi được chú bảo vệ, các cô hộ lý và tất cả các cụ ở đây tiếp đón thật nồng nhiệt. Làm cho những tất bật của cuộc sống dường như tan biến mất. Năm nay viện dưỡng lão trong có vẻ khang trang hơn nhiều, không còn ọp ẹp như những năm trước, đặc biệt có một không gian rộng và thoáng để các cụ có thể đi lại tập thể dục ( đối với những cụ còn khỏe mạnh và thích vận động), nhưng ở đây đa số các cụ đều già yếu, có cụ chỉ còn nằm một chỗ. Một năm rồi không gặp, trong các cụ già và yếu đi nhiều, tôi nhớ Cụ Nga, năm rồi cụ vẫn còn khỏe mạnh, niềm nở đón tiếp chúng tôi mặc dù đôi mắt cụ đã mất đi ánh sáng, nhưng sao năm nay chẳng thấy cụ đâu nữa, trong lòng nghĩ ngợi rất nhiều, không biết cụ đã được người thân đón về sum hợp gia đình ở tận Đồng Tháp hay cụ đã....., tới đây tôi cũng không dám nghĩ thêm nữa. Chúng tôi hỏi chú BV số lượng các cụ có tăng lên thêm không để lần sau đến chúng tôi chuẩn bị quà, chú bảo các cụ vô đây cũng nhiều nhưng tới thời điểm từ năm ngoái đến năm nay thì đã mất hết 4 cụ. Nhưng trong các cụ năm nay yếu nhiều quá, năm ngoái chỉ có một phòng đặc biệt cho các cụ khá yếu, nhưng năm nay số lượng đó tăng lên gấp mấy lần. Nhìn hình ảnh các cụ nằm co ro trên chiếc giường sắt lạnh lẽo ( do có một vài cụ bị bệnh tâm thần nên đồ dùng cá nhân của các cụ, bị chính tay các cụ xé rách, nên bây giờ đành phải nằm như thế), nhìn cảnh tượng ấy, ai trong chúng tôi cũng không cầm được xúc động chỉ biết nhìn nhau rồi cúi đầu.
Sau một giây lát lắng lòng, chúng tôi chia nhau mỗi người một việc, sắp xếp, bày biện mọi thứ với hy vọng sẽ đem lại cho các cụ một đêm trung thu thật vui vẻ. Mặc dù năm nay, các bạn không kịp về Cần Thơ để tham gia nhưng chỉ chưa tới 10 người chúng tôi nhanh chống chia nhau công việc, người thì xếp ghế ra sân, người thì đem bánh để vào khay, người thì đem lồng đèn đi treo,  người thì vào từng phòng dìu các cụ ra và dẫn các cụ vào vị trí. Sau khoảng 10 phút thì mọi thứ đã xong. Thật sự mà nói, đây là lần đầu tiên trong 7 năm chúng tôi tổ chức đi thăm các cụ, đây là lần tiên chúng tôi mời được hầu hết các cụ tập trung lại với nhau, để các cụ ông ngồi cùng các cụ bà, một không khí thật ấm áp, ấm áp như trăng trung thu!!!
Phần đầu tiên, là phần tiên bố lý do của chúng tôi, tuyên bố buổi tiệc trung tru đêm nay được bắt đầu, sau đó là màn trình diễn văn nghệ do tất cả chúng tôi dành tặng các cụ liên khúc 6 bài hát, điều đặc biệt ở đây là vừa múa vừa hát đi vòng tròn quanh các cụ, và được các cụ vỗ tay thật nhiệt tình.
Để đáp lại tấm chân tình của chúng tôi, một cụ ông đại diện cám ơn chúng tôi và phát biểu cảm nghĩ, cụ nói rằng: “ Chân thành cảm ơn các Cháu đã bỏ thời gian và công sức đến thăm các cụ, trong khi người thân của các cụ không cần các cụ, đem các cụ đến đây và không một lần ghé thăm, xem như đồ bỏ đi, nhưng các cháu đến đây, đem đến niềm vui cho các cụ ở cái tuổi xế chiều này. Các cháu là những người chưa bao giờ quen biết nhưng các cháu lại kính trọng và yêu quý các ông bà ở đây, còn con cháu của các cụ, cả một đời các cụ vất vả nuôi họ, họ lại bỏ mặt các cụ.”, nói đến đây cụ thật sự xúc động và chúng tôi cũng cảm nhận được bờ môi đang mằn mặn, 2 hàng nước mắt không biết đã núp sẵn đâu đó, chỉ chờ có thế mà tuông xuống như mưa. Để xóa tan đi không khí tĩnh lặng chúng tối lại tiếp sức cho các cụ và lúc này cụ tự tin  bước lên phía trước hát tặng chúng tôi rất nhiều bài hát, vừa hát vừa nhảy theo lời bài nhạc, chúng tôi cũng múa phụ họa và hát bè theo cụ. Theo như cách nói chuyện của cụ, chắc chắn cụ xuất thân từ tầng lớp trí thức, một điều đáng mừng là năm trước chúng tôi đến đây, mắt cụ không còn nhìn thấy ánh sáng nữa, nhưng năm nay cụ đã sáng mắt trở lại, và trông khỏe mạnh hơn , vẫn dí dõm và hài hước, cụ đã đem lại cho chúng tôi những tiếng cười ấm áp, mà không phải ai cũng có diễm phúc nhận được nó. Chúng tôi xúc động cụ ôm chặt mỗi đứa chúng tôi và gọi chúng tôi là những đứa con gái ngoan của Bố. Ấy vậy mà, con cháu của cụ không nhận thấy được điều đó! Thật đáng tiếc thay!
Năm nay các cô hộ lý mỗi người cũng đều tham gia văn nghệ, chú bảo vệ còn ôm đàng ghita đàn cho chúng tôi và các cụ hát, bất chợt có một cảm xúc rất khó tả.
 Có vài cụ bà còn tặng chúng tôi những bài thơ thật dài thật dài thật khâm phục vì những bài dài như thế bọn trẻ chúng tôi học 3 ngày chưa biết thuộc không ấy mà các cụ lại nhớ mới đáng nễ chứ, có cụ còn tặng chúng tôi thơ tự các cụ sáng tác nữa. Thật sự làm cho chúng tôi cảm động!!! Thấy các cụ vui chúng tôi cũng vui theo, và dường như chắc do thay đổi hộ lý mới và cô hộ lý mới này ở cái tuổi ngoài 50 nên cũng hiểu nhiều hơn tính cách các cụ so với cô hộ lý trẻ trước đây. Điều đặc biệt là cô hộ lý mới rất hiền và có một giọng hát thật ấm áp và đi vào lòng người.
Sau gần 2 tiếng bên cạnh các cụ, đến lúc chúng tôi phải tạm chia tay các cụ và hẹn lại lần sau rồi, các cụ không quên dặn chúng tôi năm sau lại đến thăm các cụ. Chúng tôi hứa và nhất định sẽ làm được điều này.
Có bữa tiệc nào mà chẳng tàn, dù rằng chúng tôi muốn được ở bên các cụ nhiều hơn, muốn thay thế con cháu của các cụ làm cho các cụ vui lòng, dù trong giây phút ngắn ngủi. Nhưng cũng đành phải nói lời chia tay. Trước khi ra về chúng tôi đến từng phòng để gửi quà cho các Cụ, một cụ bà nắm chặt tay tôi và chúc phúc cho tôi nhiều thành công trên con đường sắp tới, có vẻ lưu luyến muốn giữ chúng tôi ở lại trong giây lát, tôi ôm cụ thật chặt và hôn lên đôi má đã có nhiều nếp nhăn và ẩn sau đó là một đôi mắt u buồn. Bất giác cụ ôm trầm lấy tôi và khóc, cụ nói con của cụ nhẫn tâm gửi cụ vào đây 3 năm rồi mà không một lần vào thăm, cụ nhớ chúng nó lắm, nhưng chúng nó coi như cụ đã không còn từ lâu và tôi cũng khóc theo cụ, không nỡ rời xa nhưng đến lúc phải về để các cụ nghỉ ngơi rồi. Nhìn các cụ vẫy chào chúng tôi, ai trong mỗi đứa chúng tôi đều có một cảm xúc khó tả, bùi ngùi, tiếc nuối ước gì có nhiều thời gian ở bên các cụ nhiều hơn. Nhưng  chẳng sao, chúng tôi sẽ sắp xếp thời gian để đến thăm các cụ nhiều hơn. Các cụ phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, để lần sau chúng con đến được gặp đầy đủ các cụ nha các cụ. Chúng con thương các cụ thật nhiều! Con Cháu các cụ không cần các cụ nữa, nhưng chúng con rất cần các cụ.

 

MÙA TỰU TRƯỜNG NHỚ VỀ THẦY GIÁO CŨ

                     ( THẦY TÔI NGÀY ẤY)
Đến mãi bây giờ tôi cũng không thể quên được người Thầy đáng kính, mà không phải riêng tôi, tất cả các bạn mỗi khi nhắc đến Thầy Trang là mọi người đều nói một câu “ ngày đó tôi thương thầy nhất, thầy là số 1”. Mới nghe tên Thầy ai cũng bảo là Cô, nhưng không đó mà người thầy kính yêu của lớp 10A4 chúng tôi ngày đó. Thầy hiểu cá tính từng đứa như chính chúng tôi là con ruột của Thầy vậy.
Trong trí nhớ của tôi tôi không mấy ấn tượng tốt với những người thầy, khi nghe tin có một người thầy sẽ làm chủ nhiệm của lớp tôi trong suốt 3 năm học phổ thông, tôi thật sự thất vọng tràn trề. Vì tôi cứ nghĩ rằng người Thầy nào cũng giống nhau, cũng như người thầy mà tôi đã từng học khi lên lớp 4. Một ông thầy thật độc đoán, thiên vị, chỉ thương những đứa con nhà giàu hiện ra trước mắt tôi, chính thầy đã làm cho tôi có ấn tượng xấu về những người thầy. Lúc đó tôi là một cô bé học sinh lớp 4, nhà lại nghèo, nên dù tôi có cố gắng học đến đâu tôi cũng không được thầy thương như những đứa nhà giàu nhưng lại học dở. Có lần tôi bị thầy đánh 5 roi vì viết nhầm một công thức toán, còn nhỏ bạn tôi cũng giống tôi nhưng thầy kêu lên nhưng không đánh mà cho về chỗ. Lúc đó tôi giận thầy kinh khủng, dù bị đánh thật đau nhưng tôi không khóc. Đi học về đến nhà tôi đã vội hỏi mẹ: “ tại sao con làm sai thì bị đánh còn bạn con thì không? Tại sao bạn con không hát hay vẫn được đi thi hát? Tại sao bạn không học giỏi cũng được làm lớp trưởng?” sao lúc đó tôi lại đặt ra nhiều câu hỏi tại sao thế nhỉ. Nhưng câu trả lời cho câu hỏi đó chính là bạn tôi nhà giàu còn tôi thì không. Từ lúc đó tôi có ấn tượng không tốt về thầy. Trong đầu óc trẻ thơ của cô bé lớp 4 lúc đó quan niệm rằng người thầy nào cũng đều như nhau cả.
Rồi khi Thầy làm chủ nhiệm, tôi luôn thờ ơ không thèm để vào tai những gì Thầy nói, vào học cũng chẳng thích nói chuyện với ai chỉ trừ một cô bạn ngồi chung bàn và một cô bạn ngồi đầu bàn bên kia. Vì tôi nghĩ thầy cũng như bao như người thầy khác. Nhưng thật sự tôi đã sai, tôi đã trách lầm thầy, Thầy rất thương tôi, thương tôi giống như đứa con gái nhỏ của thầy. Tôi nhớ nhất là lần không đi cắm trại cùng với lớp, thầy đã đứng nan nỉ tôi và nhỏ bạn tôi cả buổi. Khi thầy cố nan nỉ tôi thì tôi lại quay mặt đi chỗ khác và nhỏ bạn tôi cũng thế. Không biết lúc đó sao tôi lại bướng như thế không biết. Sao một hồi lâu tôi cũng đã nhận lời tham gia cắm trại cùng với lớp. Từ hôm cắm trại tôi mới thay đổi cách nhìn về Thầy, Thầy đúng là một người thầy quan tâm học trò đúng mực, thầy không thiên vị ai bao giờ. Từ đứa học giỏi đến đứa học dở, từ đứa học trò nghèo đến đứa con nhà giàu đứa nào thầy cũng thương như nhau. Thầy bảo chúng tôi là “ con ruột” của thầy, cả lớp thích nhất là được thầy kêu bằng con ruột và chúng tôi đáp lại thầy bằng câu chào mà thầy rất thích “ kính chào Thầy”, Thầy thích được chúng tôi gọi như thế, mỗi lần chào câu đó Thầy đều kêu chúng tôi lặp lại mấy lần.
Thầy tôi thật tỉ mỉ, mà khó có cô giáo nào tỉ nỉ như thầy chứ đừng nói chi là các thầy khác. Lúc cắm trại, ngoài kích thước hoặc trang trí lều trại như qui định, Thầy còn sắp xếp một góc nhỏ để làm 1 cái phòng nhỏ cho các bạn nữ mỗi lúc đứa nào mệt mỏi thì có thể vô đó nằm nghỉ mà không phải cảm thấy ngại. Vậy mà cả lớp không nghĩ ra, chỉ mình thầy nhớ được điều đó.
Với sự chủ nhiệm của Thầy lớp tôi học rất tiến bộ, ngày càng đi lên, luôn dẫn đầu về thành tích học tập và thành tích về phong trào. Chúng tôi thật sự quý mến thầy lắm. Thầy nói thầy có tổng cộng 38 đứa con, giờ lại thêm một đứa, chúng tôi thật sự rất vui vì có thêm một thành viên nhí con của Thầy bé Đinh Công Phúc Lâm. Thật ra thầy chỉ có một đứa con duy nhất mà thôi, nhưng vì thầy lúc nào cũng thương chúng tôi nên mọi người bắt thầy phải gọi cả lớp bằng con ruột thì mới chịu. Cái ngày đó thật là con nít. Nhưng ông trời chẳng trìu lòng người gì hết, chủ nhiệm xong năm lớp 10 thầy lại không tiếp tục làm chủ nhiệm lớp tôi nữa, cả lớp ai cũng buồn, cùng nhau làm đơn xin cho thầy chủ nhiệm lớp tôi. Nhưng thầy không đồng ý, thầy luôn tìm cách tránh mặt chúng tôi. Mãi mấy tháng sau mới biết là vì thầy sắp đi định cư ở Mỹ, thầy muốn tập cho chúng tôi quen dần khi không có thầy quan tâm như thế và thầy cũng không muốn mỗi lúc gặp chúng tôi rồi xa chúng tôi thầy sẽ rất buồn, vì thế mà thầy quyết định không làm chủ nhiệm lớp chúng tôi khi vẫn còn có thể chủ nhiệm. Trước một ngày thầy lên máy bay, thầy đã nhờ một cô trong trường đem quà đến lớp chúng tôi, nhận được quà của thầy nhưng đứa nào cũng buồn, cả mấy bạn nam trong lớp cũng buồn ra mặt, tới những đứa thường xuyên bị thầy phạt cũng ngồi lặng thinh không nói tiếng nào.



Rồi một năm trôi qua, khi nghe tin thầy về nước, các bạn nhốn nháo đòi đi thăm thầy, nhưng chưa kịp đi, thầy đã vào lớp thăm chúng tôi trước. Chúng tôi thi nhau kể cho thầy nghe về chuyện lớp, chuyện cô chủ nhiệm mới. Thầy chỉ ngồi lặng im mỉm cười nhìn từng đứa. Bất chợt quay sang tôi cười và hỏi “ Hân có còn khóc như lúc trước mỗi khi bị xếp chỗ ngồi không?” tôi giật mình nhìn thầy mỉm cười, thật là ngại vậy mà thầy cũng nhớ.

Rồi 1 năm 2 năm 5 năm trôi qua chúng tôi không còn nhận được tin tức gì của Thầy, nhưng mỗi đứa chúng tôi mỗi khi nhắc đến Thầy đứa nào cũng tự hào vì có một người thầy thật tuyệt vời và đáng kính như thế.

CƠM NHÀ NGHÈO

“ Chiều nay có muốn ăn cơm nhà nghèo không cô bé?”
Giọng nói quen thuộc của Cô giáo vang lên từ đầu dây bên kia, Chiều nay lại nhà Cô ăn cơm nhà nghèo không? Cơm nhà nghèo? Xời ạ sao lúc nào cũng nói vậy hết nè, nhỏ cũng có giàu có gì đâu mà… Nghe nói Cô nấu ăn rất ngon, hôm nay Ông Xả của cô về quê không có nhà nên Cô xuống bếp trỗ tài nội trợ mời nhỏ chiều đến nhà Cô ăn cơm. Vì mỗi lần có ông Xả của Cô ở nhà Cô sợ nhỏ mắc cỡ không đến, nên nhân dịp Thầy( tạm gọi chồng cô là Thầy cho dễ tí) về quê mấy ngày, Cô mời nhỏ đến nhà chơi và thưởng thức món ăn Cô nấu chứ gì. Mà nhỏ đến nhà Cô chơi nhiều lần rồi nhỏ có mắc cỡ gì đâu, chỉ có thầy là mắc cỡ thôi,  mỗi lần nhỏ đến nhà, Thầy chỉ nói chuyện với nhỏ được mấy câu sau đó không biết đi đâu không thấy nữa, Cô bảo Thầy mắc cỡ.
Không biết chiều nay Cô nấu món gì đây ta, mà nhỏ đâu phải người quen ăn những món sơn hào hải vị đâu chứ, được ăn những món ăn Cô nấu là vinh hạnh cho nhỏ lắm rồi. Chiều nay được gặp Cô, được cùng Cô trò chuyện, thú vị thật đấy ,đã gần nữa năm rồi nhỏ không được gặp Cô. Vì nhỏ bận đi làm, ngày nhỏ  được nghỉ Cô phải đi dạy, tối Cô ở nhà, nhỏ lại bận học, nên ít khi cô trò có dịp ngồi lại bên nhau lắm.
Nhỏ biết Cô khi nhỏ bắt đầu học lớp 1 của tiếng hoa, ngày đầu tiên đến trường tiếng hoa, mọi thứ đều xa lạ với nhỏ. Tuy lúc đó nhỏ là sinh viên năm nhất đại học nhưng nhút nhát lắm, nhưng vì niềm đam mê nhỏ gạt bỏ sự nhút nhát ấy, mới bước đến cổng trường bất chợt nhỏ gặp một thầy giáo trên tay cầm một cây thước thật dài, nhỏ sợ quá vì trong ký ức của nhỏ nhỏ không mấy ấn tượng gì với những người thầy. Nhỏ nghĩ thầm nếu thầy đó mà dạy nhỏ chắc nhỏ không dám đi học nữa. Rồi nhỏ cũng đến bàn ghi danh, ở đây nhỏ gặp được cô nhưng lúc đó nhỏ và cô chưa biết nhau, nhỏ nhìn qua một lượt các thầy cô bỗng nhỏ đưa mắt nhìn về phía cô, nhỏ ước thầm ước gì cô là người dạy nhỏ, vì nhìn cô có khuôn mặt hiền từ, phúc hậu và dễ gần làm sao.
Tiếng chuông báo hiệu giờ vào học đã đến, nhưng nhỏ không biết lớp học của mình ở đâu, nhỏ đến gần cô và hỏi: “cô ơi có biết lớp 1A3 ở đâu không ạ”? Cô mỉm cười nhưng nhỏ chẳng nghe cô nói câu gì, nhỏ đi theo cô, nhưng dường như cô cũng không biết lớp của cô ở đâu. Nhỏ nghe cô giáo hỏi một cô giáo khác nhưng chỉ toàn nói tiếng hoa nhỏ không hiểu, cô quay sang nhìn nhỏ cười và nói 1A3 ở đây, nhỏ nhìn cô cười và cảm ơn cô, nhưng cô cũng bước vào lớp cùng với nhỏ, nhỏ hỏi cô sao lại vào lớp này, cô bảo cô dạy lớp này mà. Trong lòng nhỏ vui lắm, nhỏ không ngờ ước muốn của nhỏ lại trở thành hiện thực. Cô là người dạy nhỏ những chữ đầu tiên của tiếng hoa, từ đó nhỏ yêu mến tiếng hoa một cách kỳ là.
Nhưng thời gian học cô không lâu, nhỏ phải qua lớp khác học, những ngày đầu học với cô mới hầu như ngày nào nhỏ cũng khóc, nhỏ nhớ cô của nhỏ nhiều lắm, mặc dù lớp cô cách lớp nhỏ không xa. Cô bảo nhỏ có gắng học, nhỏ nghe lời cô cố gắng thật nhiều, dù bận đến mức nào nhỏ cũng tranh thủ đến lớp đúng giờ.
Mới đó mà đã gần 7 năm nhỏ học tiếng hoa, giờ nhỏ không còn nhút nhát như xưa nữa, nhỏ thay đổi rất nhiều nhưng duy nhất có một điều nhỏ không hề thay đổi, là nhỏ vẫn mãi quí mến cô của nhỏ.
Hôm nay nhỏ đến nhà cô của nhỏ, cùng ôn lại kỷ niệm mà trước đây nhỏ còn học với cô, ăn món ăn mà cô nấu. Cô làm món cơm truyền thống của người Hoa mời nhỏ ăn, nhỏ ăn một cách thích thú, nhỏ nói chuyện với cô từ chiều đến tận 9h tối mới xin phép cô ra về, nhưng không quên hẹn cô ngày khác sẽ gặp.

Ra về nhưng trong lòng nhỏ luôn nhớ món cơm của cô, Cơm cô làm ngon như vậy, nhiều thức ăn như vậy mà cô bảo là cơm nhà nghèo.

CHIA TAY

Hôm nay chính thức chia tay với một người đồng nghiệp, một người Cô mà đã 24 năm gắn bó với Cty, cùng chia sẻ những vui buồn cùng tập thể mái nhà thứ 2, May Meko. Tuy chỉ mới làm ở Cty được 3 năm, nhưng mình đã quen dần với sự xuất hiện của Cô, mỗi lần đi ngang qua cửa sổ phòng làm việc của tôi, Cô đều nở một nụ cười ấm áp. Trước đó tôi không có thiện cảm với Cô, vì tôi thấy Cô đối xử không tốt với Chị bạn thân nhất của tôi, người làm việc cùng bộ phận với Cô và thấp hơn Cô 1 bậc, mỗi lần tôi đến phòng chú Phó giám đốc đều thấy Cô đứng bên đó. Lâu ngày tôi lại sinh ra ác cảm, nhưng từ khi Chị bạn thân quyết định rời xa Công ty và được cô nan nỉ giữ lại, thì mọi ác cảm của tôi đối với Cô dường như xóa sạch hết. Cô đã bắt đầu trở thành người quan tâm đến người khác, nhưng những định kiến, và những cặp mắt soi mói vào Cô thì chưa bao giờ tắt liệm, tại sao cô đã thay đổi tính tình mà những người khác không nhìn vào sự thay đổi đó mà cứ nhắm vào những khuyết điểm trước đây chứ?
Hôm nay nhận được những viên kẹo ngọt ngào từ tay cô, nó như một món quà của sự chia tay, ngày thường kẹo rất ngọt nhưng hôm nay có cả vị mặn mặn của nước mắt, vị cay cay của sống mũi, vị chua chua của tình người bạc bẽo mà người khác dành cho Cô. Hơn lúc nào hết, cô cần những lời động viên ấm áp từ mọi người, nhưng khi mình còn làm thì ai cũng đối đãi thân tình và trọng dụng, nhưng đến khi xin nghỉ thì người khác lại nhìn mình bằng một cặp mắt khác. Đúng là tình người bạc bẽo xanh như lá bạc như vôi.
Dù ai có nói thế nào nhưng trong thâm tâm của con, con luôn kính trọng cô, luôn ủng hộ cô. Hy vọng cô sẽ thành công trên con đường cô đã chọn. Hy vọng con đường cô đã chọn là con đường ngắn nhất để đến thành công. Tạm biệt cô.
 Những hình ảnh cũ có cô

( giỗ tổ 2012, cô người đứng cuối bên trái đưa 2 ngón tay)

 ( giỗ tổ 2013, cô lại là người đứng cuối hàng bên trái với nụ cười rất tươi. Mâm trái cây, hoa tươi và rau câu tự tay cô làm để dâng lên Tổ nghiệp của thợ May, vì bộ phận cô là bộ phận rất quan trọng để dành được đơn hàng của những vị khách nước ngoài khó tính. Phòng Kỹ Thuật Quy Trình Công Nghệ.
Sau này sẽ không còn được ăn món rau câu đặt biệt của cô nữa rồi. Giỗ tổ sắp tới lên bộ phận của Cô sẽ không còn gặp được cô nữa rồi. Thật sự rất buồn.



CHÍNH THỨC NÓI LỜI CHIA TAY FACEBOOK


Sau cái lần tự kỷ trên facebook, dường như nhỏ cũng chán ghét cái nơi thị phi ấy. Không còn muốn vào đó để chia sẻ những tâm trạng buồn vui. Vì vốn dĩ trên facebook quá ồn ào, mà thế giới bên ngoài lại càng ồn ào hơn. Những câu chia sẻ nhẹ nhàng cũng bị đem ra soi mói, góp ý..., nói chung viết cái gì hay đăng cái gì đều nhận được những lời không hay. Lần trước vì những câu nói đùa rất ư là con nít nó rất ngây thơ, hồn nhiên vậy mà người khác đọc rồi tự suy diễn sâu xa, rồi giận...!!! Lần đó định đóng cửa luôn không thèm đếm xỉa tới nó nữa. Rồi người đó cũng nhận ra là họ đã suy nghĩ quá xa so với những từ ngữ mà nhỏ dùng, nhỏ cảm thấy như bao oan ức của nhỏ được giải bày, nhỏ lại bắt đầu vào facebook, nhưng chỉ ghé vào nhà bạn bè hàng xóm xóm xem hình ảnh hoặc những câu status mà không để lại comment rồi lẳng lặng ra về, ai có những thông tin vui, nhỏ lại mỉm cười thích thú, ai có chuyện buồn cũng làm cho nhỏ cảm thấy đau lòng. Hôm trước nhỏ không vui đăng một câu status như trách mốc, thì được một Chị làm chung Cty góp ý, chị ấy bảo: “ nhìn Hân cũng hiền và ít nói, thế nhưng trên facebook cũng dằn xé người khác dữ hén, Hân nè trên facebook ồn ào lắm, giang hồ cũng nhiều, nhiều đứa tốt không nói gì, nhiều đứa xấu nó còn đâm chém nhau nữa đấy.” Mà nhỏ cũng có nói gì sai đâu, những câu chia sẻ rất bình thường thôi mà, dù sao cũng cảm ơn Chị đã góp ý. Nhỏ chia sẻ status ấy cốt yếu chỉ để một người hiểu, cuối cùng người ấy cũng hiểu, vậy là quá đủ rồi.
Sao người ta không nhìn cách cư xử và thái độ của một người bằng chính con người thật của họ, mà chỉ nhìn họ qua những câu chữ rồi đánh giá người khác thế nhỉ? Qua cách viết lách thì chỉ biết được sơ về tính cách người khác một chút thôi, ví dụ như đọc bài viết thì biết được ngày này có tính hài hước, có tính trầm lắng hay một người đa sầu đa cảm, chứ làm sao biết được toàn bộ con người thật của người khác được chứ?
Chỉ vì facebook mà nhỏ làm người khác buồn, hôm trước đi đám cưới của cô giáo tiếng Nhật, nhỏ thấy những tấm hình tập thể cũng dễ thương, định chia sẻ cho mọi người xem, rồi có một chị bạn vào xem rồi comment khi thấy những cô gái chân ngắn ngủn, eo ông địa diện đầm, thì vào comment cho vui, chỉ một câu nói đùa nói một trong số những cô gái chân ngắn eo ông địa ấy bụng tròn vo nhìn giống có baby quá, vậy là làm cho người ấy giận, tưởng đâu chuyện tài đình gì đó rất nghiêm trọng sắp xảy ra, mà nói vậy cũng có làm sao đâu, đùa thôi mà. Vậy mà có người tưởng đó là thật rồi trách móc: “ hình không cho chị xem trước mà đã đăng lên rồi”, mà cũng có ý gì đâu chứ, lên trên facebook tag cho mấy chị nhận luôn đỡ tốn công phải gửi từng người mà. Haizz vậy mà hết người này nói rồi tới người kia nói, nghe cảm thấy mệt cái lổ tai quá đi, cũng tại nhỏ đăng hình lên rồi để một chị bạn vào comment mà làm cho chuyện rắc rối lên như vậy, chán phèo.

Sáng nay nhỏ lên mạng nhờ anh google hướng dẫn nhỏ khóa tài khoản facebook, nhỏ chính thức không vào đó nữa, phải rời xa nơi thị phi ấy thôi, tìm một mảnh đất khác bình yên hơn. Từ nay nhỏ sẽ chuyên tâm hơn với ngôi nhà blogspot của mình, vì nơi đó nhỏ thấy được sự bình yên và sự chân thật hơn. Facebook tạm biệt mày nhé.






SÀI GÒN VÀ TA

Từ trước tới giờ mình đi Sài Gòn được mấy lần rồi nhỉ? Hình như đi để chơi thì chỉ có một lần duy nhất, lần được cô giáo tiếng Hoa dắt đi Đầm Sen chơi cùng với một chị bạn thân, nhưng sáng đi rồi chiều về không được ở lại đêm, còn mấy lần đi sân bay thì chỉ chạy một mạch từ nhà đến sân bay rồi từ sân bay về nhà thôi. Lần này được đi Sài Gòn 1 ngày rưỡi nghĩa là sẽ được ở lại một đêm ở Sài Gòn, nghĩa là mình sẽ được đi đến một quán cà phê ở cao thật cao nhìn xuống cảnh đêm ở Sài Gòn thì chắc là thích dữ lém đó ta, vì 2 lúa mà được đi Xì Phố thì còn gì thích bằng.
Haizz nhưng mà lỗi tại bác tài xế cũng 2 lúa như mình, hồi nào tới giờ cũng chưa lên tới Xì Phố, nên thay vì tới Xì phố khoảng 16h chiều, thì tới 17h30 mới tới, làm ai cũng bị đói meo như con mèo, lên nhận phòng chưa kịp đi tắm là phải vội vả xuống quầy tiếp tân để chuẩn bị đi ăn. Cô dẫn cả đám học trò đi ăn món Huế, dường như mình là dân miền Nam nên ăn món Huế cảm thấy nó hơi hơi thiếu thiếu gì đó mà cũng không biết nó thiếu cái gì.
Ăn xong quay lại khách sạn tắm và nghỉ ngơi, lần đầu tiên ngủ trên cái giường nhỏ như thế lày, có khi nào tới khuya rơi xuống đất không nhỉ?? Hihi
            ( Có ái biết giường của 2 lúa là giường nào không nhỉ?)
   ( giường của 2 lúa đây này, đi thi mà mang cả gối và máy ảnh nữa )

Lần này đi thi, lớp của mình không ai đi hết, nên đi ké nhóm của bạn, mà thật sự mà nói thì không có quen với ai hết, mà cũng may nhờ cái miệng khá hòa đồng của mình nên cũng làm quen được với mọi người. Tưởng đâu tối được đi ngắm cảnh đêm Sài Gòn, ai dè đến đó 2 chị cùng phòng thì qua phòng kế bên tổ chức party, còn một đứa thì có bạn ở Sài Gòn dẫn đi chơi, còn lại trơ trụi có mỗi một mình trong căn phòng rộng mênh mông . Haizz khổ thiệt, xách dép chạy qua phòng kế bên thì mọi người đang chuẩn bị lôi bộ bài ra đánh hic hic, mình đành rút lui vậy. Trách cái thằng bạn chết bầm, về quê lúc nào không về, lựa lúc mình từ Cần Thơ lên Sài Gòn thì nó từ Sài Gòn về Cần thơ, làm hại không có ai dẫn đi chơi hết trơn. Một mình lang thang trong sân cư xá sinh viên, rồi lò mò ra tới cái đường mà lúc chiều Cô dẫn đi ăn, khổ ơi là khổ dậy đó hà. Cũng may là đi một đoạn thì gặp 3 em thi cùng, nên tấp vào quán trà sữa ngồi 8 một hồi, rồi lại lang thang ngoài đường, dù sao thì 4 người đỡ hơn 1 đứa đi một mình không giống ai. Vui nhất là được ghé shop chocolate vừa mới khai trương được ăn miễn phí, chị chủ shop còn rất vui vẻ và nhiệt tình nữa.
Đi dạo xong nạnh ai nấy về phòng dưỡng sức sáng mai đánh trận. Sáng sớm thức dậy cũng giống thói quen thức dậy sớm đi làm vậy, không khí ở đây khá thoáng mát và yên tĩnh. Sau khi ăn sáng xong thì lội bộ gần 3km hết dĩa mì ăn sáng vừa rồi luôn mới đến chỗ thi hic. Phải công nhận là kỳ thi tiếng Nhật được tổ chức hoành tráng thật, giống như thi đại học vậy cũng bắt chờ đợi rồi  có thông báo mở đề mới được mở, có cả giáo viên người nhật coi thi. Ai cũng cảm thấy hồi hợp, có mỗi 2 lúa là mình đây chẳng lo lắng gì, vì mục đích 2 lúa này đi thi là được lên Sài Gòn chơi thôi và thi rút kinh nghiệm cho lần sau chứ lần này làm gì có cơ hội mà đậu. Haizz nhưng mong muốn cũng thất bại luôn, đành hẹn lại tháng 12 vậy, hy vọng lần sau cả lớp mình cùng đi thi thì vui hơn.
Đề thi lần này đúng là không vừa sức với mình, chỉ vừa sức với các bạn học bài 25, còn mình mới học bài 14 thôi mà.



                       ( cảnh tĩnh lặng lúc sáng sớm ở cư xá)
Sau khi thi xong, cô giáo dắt đi ăn món Nhật, tuy hơi mắc một chút nhưng rất vui, mỗi người có thể thưởng thức những gì mà mình thích. Mà ngộ thiệt đi đâu cũng không giấu được cục lúa của mình, thuở đời nay đi Xì Phố mà chỉ toàn thích ăn bắp luộc không hà, mà công nhận đói bụng ăn món gì cũng thấy ngon. Cô cười bảo: “ Hân hiền ghê toàn ăn bắp thôi hà”, 2 nhỏ bạn kế bên cũng tò mò đòi ăn, vậy mà 2 đứa nó cũng ghiền theo hehe.

Lúc về còn thảm hơn nữa, bác tài xế không biết đường cứ chạy vòng vòng mà không ra khỏi trung tâm thành phố, cuối cùng đường nào không đi chạy vào đường cấm bị mấy anh cảnh sát bắt lại phạt tiền, làm bác ta giận lúc lên xe về, chạy lên ổ voi xuống ổ gà, nhờ vậy mà về tới Cần Thơ chưa đến 3 tiếng đồng hồ. Đúng là chuyến đi không mấy vừa ý nhưng thật đáng nhớ. Tiếc một điều là không gặp được người Chị tinh thần mà mình rất mến, tuy chưa gặp được chị ở ngoài lần nào và chỉ được nghe giọng nói của Chị một lần duy nhất, nhưng mình cảm thấy  có cảm tình với Chị. Hy vọng lần sau lên Xì Phố sẽ được gặp Chị  J

Tạm biệt Sài Gòn hai lúa Cần Thơ về đây, hẹn gặp lại tháng 12 Sài Gòn nhé.

HOA SỮA MIỀN NAM


Đã từng yêu thích và mơ được một lần diện kiến cùng hoa sữa, khi nghe các bài hát nói về loài hoa này. Muốn tận mắt nhìn thấy một lần cho thỏa ước nguyện. Nhưng chưa có dịp để đến Hà Nội, đi trên con đường ngập tràng hoa sữa, được những bông hoa sữa rơi xuống vương vào áo, mùi hương nồng nàn lưu vào những sợi tóc......

Rồi bất chợt một ngày đi trên con đường quen thuộc cách nhà không xa lắm, khi buổi tối đi học về nghe một mùi hương nồng nàn từ đâu đó tỏa ra, cái mùi không phải ai cũng có thể chịu được. Cũng có một chút tò mò nên tờ mờ sáng, khi trên cỏ vẫn còn đọng những giọt sương mai, khi mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, cô bé đã đến cái nơi mà  tối hôm qua khi đi ngang qua nghe mùi hương lạ. Thì ra hương thơm đó phát ra từ một loài cây thân gỗ, tán lá xanh um, có những bông hoa trắng li ti kết lại thành từng chùm, bông hoa bé xíu nhưng mùi hương của nó lan tỏa khắp nơi nhờ những làn gió vô tình bay ngang qua. Say đắm trước màu trắng tinh khôi, tuy không rực rỡ như những sắc màu của các loài hoa khác, nhưng hoa có một sức cuốn hút đến kỳ lạ. Đứng dưới tán lá cây nhặt những bông hoa bé xíu xinh xinh dù chưa biết đó là hoa gì nhưng cũng hoài nghi đó là hoa sữa, nhưng hoa sữa làm gì có ở Miền Nam cơ chứ?


Sáng đi làm, vừa vào công ty đã lên trang google hình ảnh gõ vào cái tên: “ hoa sữa”, một loạt hình ảnh hiện ra những bông hoa trắng bé tí xinh xinh, giống những bông hoa mà mờ sáng hôm nay cô bé đã nhìn thấy. Hóa ra đó là hoa sữa mà cô bé nguyện ước một lần được diện kiến, đúng đó là hoa sữa rồi. Cô bé reo lên trong niềm vui sướng, thì ra hoa sữa đã có mặt ở miền Nam và gần nơi cô bé sinh sống vậy mà trước giờ cô bé không nghĩ ra đó là hoa sữa? Cô Bé thắc mắc chẳng biết sao hoa sữa từ Hà Nội xa xôi lại đến được với Miền Nam, đến với Cần Thơ? Trong trí tưởng tượng của cô Bé, hoa sữa chỉ sống được ở Hà Nội, nào ngờ hoa đến được miền Nam hồi nào không hay biết. Có nằm mơ cô bé cũng không nghĩ được là có thể tận mắt nhìn thấy mà không cần phải đến miền Bắc xa xôi.
Rồi không lâu, những cây hoa sữa mà cô bé nhìn thấy, cũng bị chặt đi để mở rộng hệ thống đường giao thông, lòng buồn nao nao khi nhìn thấy những cây hoa sữa mà cô bé thích dần dần biến mất. Nhưng không lâu sau đó cô bé lại phát hiện nhiều cây hoa sữa khác mọc lên ở một góc đường khác, cũng có những tán lá xanh um che mát một khoảng trời và những chùm hoa trắng li ti đan xen vào những tán lá xanh tạo nên một sự kết hợp hài hòa. Rồi một hôm cô bé vô tình phát hiện thêm một cây hoa sữa nữa sau lưng một ngôi nhà mới xây, cây to hơn, tán lá rộng hơn và đặc biệt hoa nhiều hơn, cô bé nghĩ thầm chắc chủ nhà là người Hà Nội nên mới có được cây hoa sữa to như thế, chỉ có người Hà Nội mới quen dần với mùi Hoa sữa nồng nàng mà không ít người đã phàn nàng về mùi hương đặc biệt của loài hòa này. Nhưng đối với cô bé, nó vẫn được xếp vào danh sách một trong những loài hoa được cô bé yêu thích.                                 
Chẳng biết hoa Sữa Hà Nội và hoa sữa miền Nam có khác nhau xa lắm không nhỉ? Nhưng cô bé vẫn ước nguyện một ngày nào đó được đến với Hà Nội để được nhìn ngắm cho thỏa thích, được nhận những chùm hoa sữa từ ai đó thì thật thú vị làm sao. Hà Nội ơi, hãy chờ cô bé trong một mùa thu gần nhất nhé, hoa sữa ơi mùa thu ấy hãy đơm thật nhiều hoa cho thỏa lòng mong ước của cô bé nhé.
                                  



MÙA THI

Sáng nay đi làm, lại vào ngày thi đại học nên đường phố rất đông người. Cảm giác bồi hồi nhớ lại 7 năm về trước mình cũng là một sĩ tử, ôi nhớ quá cái cảm giác hồi họp được gọi tên vào phòng thi và rồi chờ đợi cái đề thi, hy vọng là dễ một chút, rồi thấp thỏm từng ngày trông ngống kết quả. Sáng nay đi ngang cổng trường ngày xưa mình đi thi, thấy nhớ quá.
Năm nào cũng vậy, đến mùa thi các sĩ tử cùng phụ huynh từ các nơi khác đổ về làm cho thành phố vốn dĩ không lắm ồn ào trở nên nhộn nhịp. Nhìn những phụ huynh ngồi đứng đợi con ở cổng trường thi, trên trán lấm tấm những giọt mồ hôi dưới cái trời nắng chang chang như thế này, có một cảm giác gì đó khó tả cứ len lỏi vào tâm trí tôi. Ngày xưa tôi cũng đi thi, nhưng một mình đạp xe cọc cạch 10 mấy cây số, vì lúc đó tôi hiểu được một điều rằng phải cố gắng thật nhiều, tuy không được Ba Mẹ đưa đón đi thi như những bạn khác, nhưng tôi không cảm thấy buồn, vì ít ra Ba Mẹ ngồi ở đợi tôi đi thi về còn đỡ hơn để Ba Mẹ phải ngồi dưới trời nắng như thế này, mà những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa không biết như thế nào nữa??? Ba Mẹ đã cả đời lam lũ vì mình, tới ngày đi thi cũng phải bắt Ba Mẹ mình cong lưng ngồi đợi như thế này, thì liệu trong phòng thi bản thân mình có an tâm không chứ?? Xã hội tiến bộ, con người cũng phát triển nhưng dần dần giới trẻ bây giờ không còn tự lập nhiều như trước nữa, nhà không đến nỗi xa mà ngày thường có thể tự mình chạy xe đi chơi hơn cả chục cây số không cảm giác nó xa, nhưng đi thi chỉ cách nhà chừng 1km cũng phải bắt phụ huynh đưa đón. Cũng có thể vì phụ huynh không an tâm nên muốn theo con cùng thi chăng.


















Ba Mẹ chỉ có thể bên cạnh mình lúc ở nhà và thầy cô chỉ dìu dắt và bên cạnh mình lúc ở trường học, còn ra trường đời không phải lúc nào cũng có Ba Mẹ bên cạnh, nên tự bản thân mình phải biết tự lập, biết đứng lên khi bị vấp ngã, chứ đừng trông chờ có ai đó đến nâng mình lên rồi mới đứng dậy bước tiếp. Con đường đời không phải bằng phẳng và được trải thảm hoa hồng mà nó là một con đường đầy chông gai và cạm bẫy của cuộc đời, tự bản thân mình phải cố vươn lên và đứng vững, phải biết tự mình làm ra tiền bằng chính công sức của bản thân thì mới biết quý trọng và trân trọng những gì mình cố gắng tạo nên. Nhìn những cậu ấm cô chiêu, được Ba Mẹ đưa đón bằng xe hơi, những loại xe đắc tiền mà bản thân không cố gắng học hành, lại càng thấy thương những cô cậu học trò nghèo mà cố gắng, đến ngày đi thi không có đủ tiền làm lộ phí. Haizz cái xã hội vốn dĩ bất công là thế, người ăn không hết kẻ lần không ra.

                                     ( Suy tư chờ con bên ngoài phòng thi)

                                        ( nằm nghỉ một tí chờ con thi )
Hy vọng hôm nay các em sẽ làm bài thi tốt, có thể bước vào ngưỡng cửa đại học để sau này có thể đủ kiến thức vào đời, khi trưởng thành thì có thể hiếu thảo với Ba Mẹ, đừng quên ngày xưa ba mẹ đã vì mình mà vất vả như thế nào. Chúc các em thi tốt nhé.